Trình tự một buổi phỏng vấn visa Mỹ và những lưu ý cần thiết
Nói đến phỏng vấn visa du học Mỹ, nhiều người còn mường tượng chưa rõ về quy trình và các bước mà một đương đơn sẽ phải trải qua.
Dưới đây là trình tự của một buổi phỏng vấn thông thường tại lãnh sự quán Tp. Hồ Chí Minh sẽ giúp các bạn dễ hình dung hơn những gì mình sẽ phải trải qua.
Bước 1: Xếp hàng
Thông thường, lãnh sự quán sẽ chia ra nhiều suất phỏng vấn vào những khung giờ hành chính trong ngày. Trong đó, suất sớm nhất sẽ diễn ra vào lúc 7h30. Để tránh tâm lý vội vã, bạn nên đến trước khoảng 15-20 phút, sau đó gửi xe ở đối diện lãnh sự quán Mỹ. Sẽ có rất nhiều người cùng đợi vào cổng như bạn, họ thường ngồi ở quán cà phê cóc ngay gần đó. Bạn cũng có thể ra đó gọi nước và ngồi cùng họ nếu muốn.
Gần đến giờ phỏng vấn, trước cửa lãnh sự quán cho đến vỉa hè sẽ xuất hiện nhiều dòng người xếp hàng sẵn. Cửa sẽ mở vào đúng 7h30 cho từng tốp 20 người lần lượt bước vào cổng xoay. Bạn hãy làm như họ, cụ thể là đứng vào hàng và chờ đợi đến tốp của mình!
*Lưu ý: Bạn không nên xếp hàng quá sớm mà chỉ nên bắt đầu sang xếp hàng trước 20 phút so với lịch hẹn. Bởi vì nếu bạn có xếp hàng sớm thì các nhân viên lãnh sự cũng không cho bạn vào bên trong đâu.
Bước 2: Check security
Khi vào bên trong phòng lớn, tất cả các đương đơn sẽ được phân ra làm 2 bên là non-immigration (không nhập cư) và immigration (nhập cư). Mỗi bên gồm 2 hàng, từng tốp khoảng chừng 20 người thuộc các hàng này sẽ lần lượt được bảo vệ hướng dẫn đi qua một cánh cửa. Và nếu cánh cửa này đưa bạn quay trở lại khu vực vỉa hè thì bạn cũng đừng ngạc nhiên. Bởi vì ngay sau khi ổn định lại hàng, tốp của bạn sẽ bước ngay vào bước vào 1 cánh cổng khác. Tại đây, khâu check security được thực hiện với các phần kiểm tra hành lý, giấy tờ và những vật dụng mang theo trên người. Nhân viên an ninh sẽ bắt bạn dang tay để kiểm tra, đừng khó chịu vì theo quy định thì đây là thủ tục bắt buộc.
Bước 3: Lấy số thứ tự và dấu vân tay
Sau vòng check security, đương đơn sẽ tiến sâu hơn vào bên trong và xếp hàng thêm lần nữa để lấy số thứ tự. Tiếp đến, bạn mang số thứ tự của mình qua cửa số 7 để lấy dấu vân tay, cửa này thường nằm sâu bên trong và bạn sẽ được nhân viên lãnh sự quán chỉ dẫn cách đi đến đó. Đến nơi, bạn không vào lấy vân tay ngay mà phải đợi đến khi số thứ tự của mình hiện lên cái bảng điện tử và đồng thời người ta đọc nó trên loa báo. Việc lấy dấu vân tay cũng có quy trình, đương đơn theo hướng dẫn để lấy dấu của cả 2 bàn tay.
Bước 4: Phỏng vấn
Những đương đơn nào đã hoàn tất khâu lấy vân tay sẽ quay lại ghế và ngồi chờ đến số thứ tự để vào phỏng vấn. Khi đến lượt của bạn, nhân viên lãnh sự quán sẽ đọc to số thứ tự và số cửa phỏng vấn tương ứng. Thông tin của mỗi người sẽ được đọc lên 2 lần, nếu sau 2 lần đó bạn vẫn không lên thì rất lâu sau người ta mới gọi lại lần nữa. Để không mất thời gian thì tốt nhất bạn nhớ để ý nghe nhé.
**Những lưu ý khi đương đơn vào phỏng vấn:
– Số thứ tự được gọi vào phỏng vấn được đọc không theo một trật tự nào cả. Do đó, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy những trường hợp nhân viên lãnh sự quán gọi số lớn trước số nhỏ sau.
– Có tổng cộng tất cả 5 cửa phỏng vấn được đánh số từ 2 – 6. Nhưng thường thì các đương đơn chỉ phải qua khoảng 3 cửa trong số này mà thôi.
– Các cửa được bố trí sát nhau và giữa chúng được ngăn cách bởi những bức tường sole. Trước mỗi cửa vẽ sẵn có 1 vạch màu vàng để đánh dấu vị trí đứng của đương đơn. Khi được gọi đến số thứ tự của mình, bạn đi lên đứng sau vạch màu vàng và đợi người phỏng vấn bước ra.
– Bên trong mỗi cửa có 2 nhân viên lãnh sự quán, bao gồm một cán bộ phỏng vấn (gọi tắt là CO) và 1 phiên dịch viên (Nếu CO phỏng vấn biết tiếng Việt sẽ không có phiên dịch viên hỗ trợ). Trong quá trình đối thoại, họ sẽ ngồi, còn bạn đứng. Đừng lo về việc mình phải đứng quá lâu vì thời gian bình quân 1 cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài trong khoảng 3-5 phút.
– Cuộc trao đổi giữa bạn và nhân viên phỏng vấn sẽ diễn ra ở 2 bên của một tấm kính dày. Phía dưới tấm kính này có thiết kế một cái khay nhỏ để nhận hồ sơ vào. Đại diện lãnh sự quán sẽ đọc câu hỏi qua loa, còn về bạn phải cố gắng trả lời to và rõ nhất có thể nhé!
– Phỏng vấn visa du học Mỹ thường không yêu cầu cao lắm về ngoại ngữ. Với những câu hỏi không quá cao siêu như: lý do bạn du học Mỹ, lý do chọn trường/ ngành, kế hoạch học tập và ý định quay về nước sau khi hoàn thành khóa học,… thì đương đơn chỉ cần chuẩn bị trước là ổn. Thêm vào đó, bạn còn có sự hỗ trợ của thông dịch viên, khi bạn không nghe rõ câu hỏi, cán bộ thông dịch sẽ giải thích ngay cho bạn.
Vừa rồi là mô tả về những gì sẽ xảy ra trong một buổi phỏng vấn visa tại Tp. Hồ Chí Minh. Qua đây, các bạn có thể hình dung được phần nào những gì mình sắp đối mặt. Điều này sẽ giúp ích cho bạn trong việc ổn định tâm lý, giảm bớt căng thẳng và bất ngờ khi tham gia buổi phỏng vấn thật.
1 Comment
thông tin bổ ích